NGHIÊN CỨU VỀ GIẤC NGỦ LÀ GÌ?

NGHIÊN CỨU VỀ GIẤC NGỦ LÀ GÌ?

Bài viết tổng thể về tiêu chuẩn, kỳ vọng, điều kiện và kế hoạch điều trị do nghiên cứu giấc ngủ mang đến. 

Có thể bạn từng tìm đến “bác sĩ” Google về thói quen ngủ nếu bạn đã từng vật lộn để ngủ hoặc cố gắng ngủ sâu. Có thể bạn hỏi Internet về việc thức dậy lúc 3h sáng rồi sau đó ngủ lại có bình thường hay không, dù chẳng có lý do cả. Có thể bạn tự hỏi liệu rằng  người khác có xoay ngang dọc nhiều như bạn, và thói quen ngủ như thế về mặt lâm sàng liệu bình thường? Có thể trong quá trình tìm kiếm thông tin giữa màn đêm mờ ảo, bạn tình cờ đọc được lời khuyên nên thử thăm khám và tự hỏi: Rốt cuộc cái này là cái gì? Nếu thật sự đi đến một nơi nào đó thì có đáng sợ không? Thật rùng rợn khi biết có ai dõi theo khi ngủ? Có giải pháp nào phù hợp không? 

Có 120 loại Rối loạn thức – ngủ khác nhau.  Trung tâm Kiểm Soát &  Phòng Ngừa Bệnh Tật (CDC) báo cáo có khoảng 1/3 người trưởng thành ở Mỹ ngủ ít hơn so với khuyến cáo. 

Chúng tôi đã tham khảo với ba chuyên gia về giấc ngủ trên toàn quốc để tìm ra tất-tần-tật như một cẩm nang từ A-đến-zzzz. 

Làm sao để đặt chuẩn cho một nghiên cứu về giấc ngủ? 

Trước khi quyết định đến trung tâm tư vấn về giấc ngủ (1),  bạn cần chuẩn bị vài thứ. 

Bước đầu tiên, nhận diện những vấn đề về giấc ngủ sẽ giúp ích cho việc can thiệp y khoa. Những bác sĩ chúng tôi trao đổi đều chỉ ra nên theo dõi hoạt động hàng ngày: Bạn có bị ảnh hưởng bởi giấc ngủ đêm qua không? 

Chuyên gia về giấc ngủ Hussam Al-Sharif (2) cho biết: “ Sẽ ổn nếu như việc thiếu ngủ không ảnh hưởng đến ngày của bạn.”

“Tuy nhiên, việc thiếu ngủ bắt đầu cản trở công việc, mối quan hệ, hoạt động, chất lượng cuộc sống thì bạn nên xem xét đến việc tìm sự giúp đỡ.”

Một khi bạn đã nhận diện được những vấn đề về giấc ngủ, bước tiếp theo sẽ là: thăm khám. Bác sĩ hoặc chuyên gia về giấc ngủ sẽ có một số câu hỏi và phân tích những dịch vụ nào cần cho bạn. 

Al-Sharif giải thích: “Chúng tôi xem tất cả các yếu tố, bắt đầu bằng bệnh sử của ba mẹ, nghề nghiệp (đặc biệt những người làm ca đêm), thói quen ngủ ( giường ngủ, thời gian thức dậy, không gian ngủ, tất cả những hành vi ngủ vào ban đêm).”

Sau đó trả lời một số câu hỏi về thói quen ban ngày:

Ban ngày cảm thấy buồn ngủ nhiều không?

Buồn ngủ có ảnh hưởng đến công việc không? Ảnh hưởng thế nào? 

Và cuối cùng, các chuyên gia về giấc ngủ thu thập dữ liệu mục tiêu: 

  • Bạn có thường ngủ gật khi đọc sách hoặc xem TV không? 
  • Bạn dùng bao nhiêu lượng cồn và café vào ban ngày? 
  • Bạn có đang uống thuốc nào hoặc thực phẩm chức năng có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ không? 

Al-Sharif cho rằng: “Khi tổng hợp tất cả thông tin, chúng tôi sẽ quyết định xem vấn đề về giấc ngủ có thể giải quyết bằng cách thay đổi vệ sinh giấc ngủ (3) ( thói quen ngủ tốt) hay cần thực hiện thêm các bài kiểm tra. 

Nếu bạn bị mất ngủ, bạn không cần phải làm bài kiểm tra vì việc mất ngủ đã quá rõ ràng. Vì thế, bác sĩ sẽ chuyển bạn đến chuyên gia về mất ngủ (bác sĩ về giấc ngủ với chuyên môn về tâm lý học), người sẽ giúp bạn tìm ra nguyên do làm cho bạn thức. 

Bài kiểm tra

Nếu chuyên gia cho rằng các bài kiểm tra giấc ngủ giúp ích, một trong hai phương pháp sẽ được dùng: theo dõi tại nhà hoặc theo dõi tại phòng lab ở trung tâm. 

Thường thì phương pháp theo dõi tại nhà được áp dụng nếu bạn gặp phải việc ngưng thở khi ngủ (4),  một tình trạng phổ biến và nghiêm trọng ảnh hưởng đến hô hấp, hội chứng chân không nghỉ (5), một tình trạng gây ra việc mất kiểm soát khiến bạn phải di chuyển/cử động chân. 

Hai tình trạng trên có thể phát hiện khi kiểm tra tại nhà. Vì vậy câu hỏi đặt ra là: tại sao thực hiện kiểm tra tại phòng lab khi bạn không cần thiết phải làm? Làm kiểm tra tại nhà khá đơn giản: đặt thiết bị/ máy theo dõi để đo nồng độ oxy và nhịp thở thông qua: 

  • Hai đai quấn quanh ngực và cơ bụng để đo các chuyển động liên quan đến nhịp thở.
  • Một thiết bị nhỏ gọn gọi là máy đo nồng độ oxy trong máy ngoại vi (pulse oximeter) kẹp vào ngón tay để đo nồng độ oxy trong máu.  
  • Một ống dẫn nhỏ như cảm biến nhịp thở đi vào trong lỗ mũi và phía sau tai của bạn để phân tích tần số hô hấp/ nhịp thở. 

Michael Friedman (6) giải thích thêm: “Hệ thống này khá đơn giản, bệnh nhân học cách sử dụng nhanh chóng. Ban đêm bật lên, sáng thức dậy tắt thiết bị và mang nó đến trung tâm.” 

Nếu dữ liệu thu thập không đúng do lỗi kỹ thuật xảy ra vào ban đêm, bạn có thể làm lại bài kiểm tra. 

Hoặc nếu như bài kiểm tra tại nhà cho thấy rằng ngưng thở khi ngủ trở nên trầm trọng hơn, nồng độ oxy sẽ giảm vào ban đêm, bạn sẽ làm bài kiểm tra tại phòng lab. Khi ấy sẽ giúp bạn tìm được thiết bị phù hợp hơn. 

Đóng gói pajamas 

Nếu bác sĩ đề xuất bạn đến phòng lab ngủ lại một đêm cho việc kiểm tra: chuyện này không tệ như bạn nghĩ. Friedman nói thêm: “Trước đây, bài kiểm tra giấc ngủ thực hiện trên giường bệnh. Việc này nghe có vẻ kinh khủng bởi vì không ai muốn đến bệnh viện. Giờ thì ngủ ở phòng lab có vẻ thoải mái, dễ chịu hơn.”

Trên thực tế, phòng lab còn được ví như phòng khách sạn, giường ngủ thoải mái, không có tiếng ồn hoặc hình ảnh lộn xộn, bầu không khí tối tăm. Thường sẽ có một phòng tắm đi kèm nếu như cần thức dậy vào ban đêm. 

Ngoài ra, phòng lab được chuẩn bị đồ ăn nhẹ và đồ uống, bơ đậu phộng, nước sôi và đồ uống không chứa caffeine giúp bạn ngủ. Có TV và camera nhỏ trong phòng để kỹ thuật viên theo dõi bạn xuyên đêm. 

Khi nghe đến đây nhiều người sẽ thấy sợ: hãy nhớ rằng không ai nhìn chằm chằm qua cửa sổ, bạn sẽ không thấy ai khi đang ngủ. 

Bạn có thể chuẩn bị thiết bị riêng hoặc máy hỗ trợ giấc ngủ do phòng lab không có máy tạo tiếng ồn trắng hay máy xông tinh dầu/liệu pháp mùi hương, miễn sao nó không ảnh hưởng đến việc phân tích giấc ngủ của bạn.   

Hậu trường

Vậy thì chuyện gì thật sự xảy ra xuyên suốt quá trình này? 

Khi bạn đến lab, kỹ thuật viên sẽ cho bạn biết điều gì sẽ xảy ra và kỳ vọng từ quá trình này thế nào. Thông thường, kỹ thuật viên sẽ là người thu thập dữ liệu, và chuyên gia sẽ phân tích sau khi có dữ liệu. Sau khi kỹ thuật viên giới thiệu xong, bạn sẽ thay đồ ngủ và điện dán 12-14 miếng dán được gọi là điện cực vào các vị trí khác nhau trên cơ thể. 

  • Dán lên ngực để đo hoạt động của tim
  • Dán lên chân để theo dõi chuyển động chân
  • Dán lên da đầu và trán để theo dõi hoạt động sóng não 

Những miếng điện cực được gắn với dây để dẫn đến hộp điều khiển có kích thước bằng điện thoại thông minh. Khi bạn thức dậy, bạn sẽ ngắt kết nối với hộp điều khiển và những thứ khác được giữ nguyên. 

Tùy vào các trường hợp khác nhau, kỹ thuật viên sẽ cài vài chiếc đai quanh ngực và cơ bụng, một sợi dây dưới mũi để đo luồng không khí. 

Sau khi bạn đã chuẩn bị xong, giờ ngủ cũng đến. 

Kỹ thuật viên thường nghiên cứu vào thời gian ngủ được báo cáo. Hy vọng bạn sẽ chìm vào giấc ngủ như ở nhà. Một số bệnh nhân xem gì đó để dễ ngủ hơn. 

Bạn có thể ngủ ở tư thế bất kỳ như ở nhà, tuy nhiên kỹ thuật viên sẽ yêu cầu bạn nằm nghiêng thay vì nằm ngửa – bởi vì ngưng thở khi ngủ sẽ tệ hơn nếu ngủ trong tư thế mặt hướng lên. 

“Đi ngủ với nhiều dây gắn vào sẽ chẳng thoải mái tí nào, nhưng bạn có thể xoay qua xoay lại. Hơi khó nhưng không đến nỗi nào.”

Sự thật là…

Dữ liệu chỉ thu thập từ 3 – 4 tiếng khi bạn ngủ, không phải 8 tiếng – nhưng bạn ngủ bao lâu cũng được! Romulo Cordero (7) giải thích: “Nhiều bệnh nhân sẽ ngủ từ 5 – 7 tiếng và rời đi sớm khoảng 6h sáng, và họ có thể về nhà ngủ nếu đêm đó họ không ngủ được”. Trong trường hợp người đến phòng lab ngủ cảm thấy sợ và không ngủ được trong suốt thời gian theo dõi, bác sĩ sẽ cho bạn về và hẹn bạn vào dịp khác – với vài sự hỗ trợ. 

Al-Sharif nói rằng: “Có một hiện tượng được biết đến nhiều là ‘Hiệu ứng đêm đầu tiên’ (First Night Effect) – lý giải vì sao mọi người thường ngủ ít hơn khi ngủ ở chỗ lạ. Nếu điều này xảy ra chúng tôi cần làm lại bài kiểm tra.”

Đi tìm lời giải đáp 

Nếu mọi việc suôn sẻ, bác sĩ sẽ chẩn đoán tình trạng dựa trên nghiên cứu về giấc ngủ và sớm đưa ra kế hoạch điều trị. 

Có khoảng 120 loại rối loạn về giấc ngủ, trong đó có 5 loại chính nếu biết sẽ giúp ích cho bạn: 

NGƯNG THỞ KHI NGỦ (SLEEP APNEA)

Đây là một rối loạn đường thở khá phổ biến: Ước tính có khoảng 26% người Mỹ từ 30 đến 70 tuổi gặp phải. Các dấu hiệu bao gồm: 

  • Ngủ ngáy
  • Thở hổn hển hoặc ngừng thở khi đang ngủ
  • Lúc nào cũng buồn ngủ
  • Không thể xem TV vì chìm vào giấc ngủ rất nhanh chóng 

Có hai dạng: Ngưng thở tắc nghẽn khi ngủ (OSA)(8) là khi đường thở bị đóng lại một phần hoặc toàn phần do tắc nghẽn phía sau lưỡi. Ngưng thở khi ngủ trung ương (CSA) (9) là khi não ngừng nhịp thở của bạn. Điều trị cho dạng rối loạn này bao gồm sử dụng máy CPAP, giúp cung cấp một luồng không khí có oxy đến đường thở của bạn. 

MẤT NGỦ (INSOMNIA)

Có thể bạn biết tình trạng này: đó là khi bạn không thể ngủ. Khoảng 30% người trưởng thành ở Mỹ được chẩn đoán bị mất ngủ mãn tính hoặc thoáng qua. Điều trị rối loạn này tùy vào nguyên nhân gốc. 

Cordero giải thích “Chúng tôi cần tìm hiểu sâu hơn và hỏi liệu điều gì gây ra tình trạng này. Phần lớn nguyên nhân xuất phát từ việc lo âu hoặc vấn đề về tâm lý. Dù là chữa trị cho rối loạn nhưng có nhiều thứ khác cần phải xem xét như vệ sinh giấc ngủ kém hoặc các vấn đề y học tiềm ẩn. 

Nếu vẫn thất bại, bác sĩ sẽ kê toa thuốc mất ngủ mãn tính với liệu pháp hành vi nhận thức (CBT) (10) hoặc liệu pháp dược lý  (thuốc/ thôi miên). 

HỘI CHỨNG CHÂN KHÔNG NGHỈ (RESTLESS LEG SYNDROME)

Hơn 3 triệu người ở Mỹ từng bị Hội chứng chân không nghỉ: phải cử động chân trước khi chìm vào giấc ngủ. Đặc trưng nhất là cảm giác khó chịu ở chân khiến bạn phải cử động chúng. Phương pháp điều trị là dùng thuốc. 

RỐI LOẠN HÀNH VI GIẤC NGỦ REM (REM SLEEP BEHAVIOR DISORDER)

Đây là một dạng rối loạn hiếm gặp vì chỉ ít hơn 1% người lớn gặp phải. Bạn hoạt động ở giấc ngủ REM (dream stage) khi bạn không nên như thế; đây là dấu hiệu của bệnh Alzheimer hoặc Parkinson. Đối với dạng rối loạn này, bác sĩ chuyên khoa thần kinh sẽ giúp điều trị. 

CHỨNG NGỦ RŨ (NARCOLEPSY) 

Dạng rối loạn này ảnh hưởng đến khoảng 135.000 đến 200,000 người ở Mỹ. Đặc điểm là buồn ngủ bất ngờ và không đúng lúc, ví dụ như trong các cuộc trò chuyện hoặc cuộc họp tại nơi làm việc. Vì vậy, người mắc phải chứng rối loạn này thường không được phép lái xe. Điều trị cho dạng rối loạn này bằng sự kết hợp các loại thuốc và những giấc ngủ ngắn theo chỉ định. 

NHỮNG DẠNG NGHIÊN CỨU KHÁC VỀ GIẤC NGỦ

Ngoài ra, những nghiên cứu khác như thói quen ngủ sẽ được thực hiện và công bố. Các nhà khoa học thường yêu cầu các tình nguyện viên qua quảng cáo trên báo, TV hoặc thông qua truyền miệng – sau đó đưa họ vào phòng lab đặc biệt. Bài kiểm tra phục vụ cho mục đích nghiên cứu khác hơn so với bài kiểm tra thông thường. 

Bài kiểm tra ở dạng nghiên cứu này được thực hiện trong cùng phòng sạch với đồ ăn nhẹ và dây kết nối. Tuy nhiên, bạn có thể được trả tiền khi tham gia trải nghiệm này (Cordero nghe nói tình nguyện viên có thể kiếm từ 20$ đến 3.000$)

Nhiều nghiên cứu được thực hiện chỉ để tìm ra giấc ngủ bình thường sẽ trông thế nào, bao gồm các giai đoạn và thời lượng ngủ. 

Một vài nghiên cứu khác xem xét sự ảnh hưởng của giấc ngủ lên một số hormone nhất định hoặc thay đổi sinh lý xảy ra trong lúc ngủ (ví dụ như nhịp tim hay huyết áp), hoặc xem xét các vấn đề phát sinh để hiểu hơn về giấc ngủ. 

Al-Sharif giải thích thêm, các nghiên cứu khác có thể tập trung vào biện pháp can thiệp giấc ngủ, chẳng hạn như ảnh hưởng của công việc, thuốc men, thôi miên và thói quen ngủ ở một nhóm nhất định. 

Dù cho bạn đang tham gia nghiên cứu giấc ngủ nào, điều quan trọng nhất là bạn đang làm điều này vì lý do chính đáng: ngủ ngon hơn – khỏe hơn. 

Lời kết: hành động dẫn đến câu trả lời, câu trả lời dẫn đến phương pháp điều trị mới, và từ đó giúp ngủ ngon & tinh thần tốt hơn. 

Nguồn: Annie Daly. Healthline. What is a sleep study, anyway?
Người dịch: Cô Hai Podcast 

——

(1) Sleep facility là trung tâm về giấc ngủ kết hợp giữa phòng khám và phòng lab. Ở đây, bệnh nhân sẽ được đánh giá và làm test chẩn đoán qua trung tâm & thiết bị theo dõi giấc ngủ tại nhà (HSAT). 

(2) Chuyên gia về giấc ngủ, MD, tại Hệ thống phòng khám Mayo ở Winsconsin, Mỹ. 

(3) Sleep hygiene: Vệ sinh giấc ngủ là thuật ngữ dùng cho các hành vi & môi trường được đề xuất cho giấc ngủ chất lượng hơn. 

(4 Sleep apnea: ngưng thở khi ngủ là một rối loạn giấc ngủ phổ biến và nghiêm trọng 

(5) Restless leg syndrome: Hội chứng chân không nghỉ – là một rối loạn thần knh đặc trưng bởi cơn đau nhói, co kéo, tê dần dần, hoặc có cảm giác khó chịu ở chân không thể kiểm soát, làm bệnh nhân khó chịu, buộc phải di chuyển chân liên tục. 

(6) Michael Friedman: MD, FACS, giám đốc y khoa tại Tai mũi họng Chicago. 

(7) Romulo Cordero: Giám đốc trung tâm về giấc ngủ và chẩn đoán thần kinh tại Crystal Run Healthcare, một trung tâm sức khỏe ở New York. 

(8) OSA: Obstructive Sleep Apnea 

(9) CSA: Central sleep Apnea

(10) CBT: Cognitive behavioral therapy 

Cô Hai Podcast là kênh chia sẻ podcast ngủ, giấc ngủ và cảm xúc.

Con chữ tổn thương, con chữ chữa lành.

Nếu bạn có góp ý, lá thư hoặc hợp tác cho dự án này, đừng ngại kết nối qua cohaipodcast.com hoặc email cohaipodcast@gmail.com!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *