CONTENT PODCAST NGỦ: DỄ NHƯNG KHÓ

Chiều nay trong lúc nghiên cứu để viết nội dung cho podcast ngủ lại va vào một vài gợi ý viết content. Mình xin phép chia sẻ theo hiểu biết của mình để mọi người cùng đọc. Podcast ngủ thông thường gồm có hai loại nội dung chính: tiếng ồn trắng (white noise) – âm thanh xung quanh (ambient sounds) và chuyện ngủ (sleep stories).

Đối với dạng content cho podcast ngủ, có một vài điểm cần lưu ý.

Nội dung tẻ nhạt sẽ làm người nghe cảm thấy nhàm chán

Content cho podcast là những câu chuyện ngủ cần có nội dung phong phú, sinh động giúp người nghe cảm thấy luôn có điều mới mẻ thu hút họ. Một câu chuyện/ bài đọc nên dẫn dắt người nghe đi đến nhiều nơi chốn, nhiều vùng đất và được đắm mình vào nhiều khung cảnh khác nhau. Nếu nội dung quá nhàm chán, người nghe sẽ phải tốn thời gian tìm một tập podcast ngủ khác phù hợp hơn.

Nội dung quá thú vị lại làm người nghe khó chìm vào giấc ngủ

Khác với kỹ thuật và phương pháp kể chuyện (storytelling), podcast ngủ không cần mở đầu, thân bài và kết bài. Nội dung podcast ngủ không cần kịch tích và cũng chẳng cần nút thắt nút mở cho câu chuyện. Nếu nội dung quá thú vị và cuốn hút, người nghe sẽ không thể ngủ ngay và ngóng chờ phần tiếp theo của câu chuyện. Vì vậy, đối với dạng content podcast ngủ không cần theo đuổi phương pháp kể chuyện truyền thống.

Tránh dùng những từ ngữ khơi dậy cảm xúc mạnh mẽ

Một số từ cần cân nhắc không nhắc đến là những từ mang đến cảm giác lo âu, sợ hãi hoặc tính từ mô tả những hành động, gây ra cảm giác bồn chồn khó chịu. Ví dụ như từ “máy bay” có thể làm nhiều người sợ độ cao hoặc sợ đi máy bay thấy lo lắng hơn. Theo kinh nghiệm của mình, những từ như “sắc nhọn, góc cạnh, đâm, dao, kéo, đinh, hớt hải, hồi hộp, sợ, lo lắng, …” không nên dùng cho dạng content ngủ.

Vậy viết gì cho content podcast ngủ?

Cái khó của podcast ngủ là nội dung phải sinh động vừa đủ để người nghe cảm thấy thoải mái và không bị chính sự cuốn hút của câu chuyện gây tác dụng ngược. Nhiều kênh podcast ngủ ra đời và sử dụng từ tượng thanh, tượng hình, khung cảnh xung quanh khơi gợi trí tưởng tượng giúp người nghe có cảm giác họ đang được ở một nơi chốn khác.

Ví dụ: bờ suối chảy róc rách, tiếng thông reo ca trong gió đón chào bạn đến một nơi tràn ngập tia nắng Mặt Trời.

Dạng content podcast ngủ không cần có cốt truyện cụ thể nào, chỉ đơn giản là dẫn dắt, đồng hành cùng người nghe di chuyển từ nơi này sang nơi khác.

Cảm ơn bạn đã đọc! Hy vọng nó hữu ích cho bạn.

Cô Hai.

#sleepcontent #cohai

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *